Chả Cá Thu, Chả Cá Rựa - đặc sản Vũng Tàu
Chả cá là món ăn dân dã và quen thuộc với nhiều người. Ở Vũng Tàu - vùng đất với 3 mặt tiếp giáp biển, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn cá tươi đa dạng, vô tận được dùng để chế biến món chả cá. Từ lâu, món đặc sản miền biển Vũng Tàu này đã được nhiều người biết đến , được khách du lịch tìm mua làm quà. Bạn có biết rằng món đặc sản “chả cá” đã từng được đưa vào đề cử tham gia vào hành trình tìm kiếm Những Đặc Sản Việt Nam trong năm 2013.
Cách làm món Chả Cá Vũng Tàu
Để làm ra những miếng chả cá tươi ngon, người làm phải dậy từ rất sớm, vào khoảng 3 hoặc 4 giờ sáng, để tìm đến tận bến ghe, vựa cá và chọn mua những con cá chắc thịt nhất. Ngày nay, món chả cá được nhiều người biết đến là chả cá thu, cá thác lác.. Bên cạnh đó, những loại cá lớn nhỏ khác như cá rựa, cá măng cũng được dùng làm nguyên liệu để chế biến mà chất lượng thành phẩm cũng không hề kém cạnh so với chả cá thu hay chả cá thác lác.
Sau khi bỏ đầu và ruột, cá được rửa sạch, tách làm đôi theo chiều dọc, để vào rổ cho ráo nước, sau đó dùng một chiếc muỗng sắt nạo lấy phần thịt của cá, loại bỏ xương sống và xương dăm. Giai đoạn này tốn nhiều công sức, đòi hỏi kinh nghiệm và quyết định đến chất lượng của chả cá vì chỉ cần một chiếc xương cá nhỏ lẫn trong thịt cá thì khi ăn sẽ có cảm giác bị sượng và món ăn sẽ bị thực khách đánh giá là không ngon.
Làm sao để Chả Cá có độ dai
Phần thịt của cá sau khi nạo được đưa vào máy xay, rồi đưa ra trộn đều với gia vị, gồm: muối, đường, tiêu, bột ngọt. Hạt tiêu không phải xay nhỏ mà chỉ cần cho vỡ làm 2-3 mảnh để khi ra thành phẩm, người dùng vẫn có thể cảm nhận được vị cay cay tê tê nơi đầu lưỡi khi thưởng thức. Sau đó chả cá phải được nhồi và giã lại để cho chả cá có độ dai khi ăn, chả cá ngon hay không chính là nhờ bí quyết của người làm lúc này.
Chả Cá - món ăn dân dã dành cho bữa tiệc sang trọng
Cuối cùng, chả cá tươi được đem đi trữ trong tủ lạnh (có thể dùng ngon trong từ 2 đến 3 ngày) hoặc đem đi chiên để trữ lâu hơn (đảm bảo từ 5-7 ngày mà không ảnh hưởng đến chất lượng). Khi chiên chả cá, chảo phải đầy dầu và để lửa nhỏ riu riu cho miếng chả chín đều từ ngoài vào trong. Lúc mới cho vào chảo dầu nóng, chả cá nở to như những chiếc bánh phồng. Khi nguội thì xẹp lại, có màu vàng ươm, ăn thấy cảm giác mềm, dai từ lớp vỏ bên ngoài, hòa quyện với vị cay cay, giòn sần sật từ hạt tiêu và cá bên trong. Chả cá sống được dùng trong nhiều món ăn như: lẩu, phá lấu, các món canh… Còn chả cá chiên có thể để ăn kèm bún, bánh canh (tìm hiểu thêm về món Bánh Canh Chả Cá Vũng Tàu), bánh mỳ…
Chả cá là món ăn dân dã, mang đậm hương vị của miền biển. Ngày nay, chả cá Vũng Tàu đã có mặt trên bàn tiệc của các nhà hàng, quán ăn lớn ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Không những thế, món ăn chả cá dân dã này còn theo chân Việt kiều đi đến nhiều đất nước trên thế giới trong mỗi lần họ về thăm quê.