7 món bánh canh đặc trưng miền Tây Nam Bộ
Nếu có dịp về miền Tây thì bạn đừng quên thưởng thức những món canh nơi này, có rất nhiều món canh như bánh canh vịt, bánh canh tôm nước cốt dừa, bánh canh ghẹ … chắc chắn bạn sẽ có một niệm thú vị.
Bánh canh vịt Tiền Giang
Đây là niềm tự hào của người dân đất Cai Lậy (Tiền Giang). Thành phần chính của món ăn là thịt vịt cỏ, vốn được thả rong trên nhưng cánh đồng bạt ngàn ở miền Tây, nên thịt săn chắc, ngọt và không có mỡ. Vịt sau khi làm sạch, được chà xát qua với rượu và gừng trước khi luộc chín. Nước luộc vịt được đun sôi, nêm lại gia vị vừa ăn để làm nước dùng.
Món ăn không có gì đặc biệt với sợi bánh to, thịt vịt thái lát cùng nước dùng trong vắt. Đơn giản là thế, nhưng chỉ khi thưởng thức, thực khách mới có thể cảm nhận được hết cái vị thanh ngọt của nước dùng, thịt vịt mềm ngọt đậm đà rất vừa miệng.
Bánh canh giò heo
Bánh canh giò heo là món ăn rất đặc trưng và phổ biến ở vùng đất Nam Bộ vì đơn giản, dễ nấu, dễ ăn và ngon miệng. Món ăn với sợi bánh canh trong suốt của người miền Nam, một khoanh giò, dăm lát thịt luộc cùng chén nước chấm ăn kèm.
Cái làm nên sức hấp dẫn cho món ăn này của người miền Tây chính là những khoanh giò to đùng, béo ngậy. Những miếng giò vừa to, thịt mềm nhưng không bở và vẫn có vị ngọt thịt rất tự nhiên. Bên cạnh đó, nước dùng phải được nấu từ nước hầm xương để có vị ngọt thanh đặc trưng của xương chứ không phải cái ngọt gắt của gia vị. Rất phổ biến nên du khách có thể thưởng thức món ăn này ở bất cứ tỉnh nào của miền Tây Nam Bộ.
Bánh canh bột xắt miền Tây
Hầu như các loại bánh canh đều được làm từ bột gạo và bánh canh bột xắt của miền Tây sông nước cũng vậy. Bánh canh bột xắt sẽ được nấu cùng với thịt và huyết vị, không giống với các loại bánh canh khác là nấu cùng thịt heo hay tôm cua. Món này khi ăn sẽ chấm cùng mắm gừng và có hương vị gần như bún hay cháo vịt.
Bánh canh tôm nước cốt dừa
Bánh canh tôm nước cốt dừa có thành phần chính là sợi bánh, tôm và nước cốt dừa. Tôm tươi được người bán mua về, lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp. Sau đó bắc chảo dầu nóng, cho tôm vào cùng một ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín thì tắt bếp. Khi chế biến món ăn này, người bán cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, khi gần chín cho tôm đã làm sẵn vào, sau đó cho nước cốt dừa vào và nêm gia vị cho vừa ăn.
Bát bánh canh tôm nước cốt dừa đầy màu sắc với màu trắng của sợi bánh canh, màu trắng đục hơi sệt của nước dùng, màu hồng của tôm điểm xuyết sắc xanh của hành lá trông thật bắt mắt. Mặc dù được nấu chung với nước cốt dừa, có vị béo nhưng lại không gây cảm giác ngấy cho người ăn.
Bánh canh ghẹ
Địa phương nổi tiếng nhất khi nhắc đến món ăn này là Hà Tiên. Những con ghẹ xanh tươi ngon của vùng biển Hà Tiên đã tạo nên thương hiệu cho món bánh canh xứ biển này. Ghẹ phải là loại tươi ngon mới được đánh bắt lên, sau đó luộc chín, để nguyên con hoặc cắt đôi tùy theo ý thích của người ăn.
Ngoài thành phần chính là ghẹ, trong món ăn còn có chả tôm, tiết lợn, nấm cùng với nước lèo được nấu sánh và rất đậm đà. Bát bánh canh thơm ngon khi được chan với nước dùng nấu từ gạch của ghẹ nên rất sánh, thơm và có vị ngọt thanh của ghẹ. Bên cạnh đó, chén muối tiêu chanh ăn kèm càng làm cho món ăn trở nên ngon miệng và đậm đà hơn.
Chè bánh canh (bánh canh ngọt)
Bánh canh không chỉ dùng nấu với tôm, cua, thịt - ở vùng nông thôn miền Tây, bánh canh còn được nấu ngọt và ăn như chè. Chè bánh canh nấu tương đối đơn giản. Cho đường thẻ đã bẻ nhỏ vào nồi nước và nấu cho tới khi đường tan hết. Giữ lửa cho nồi nước đường sôi mạnh, đều rồi bỏ bột bánh canh vào, nấu cho đến khi bột chín trong là được, cho thêm chút vani vào để có mùi thơm. Chè bánh canh nếu yếu lửa thì nồi chè sẽ bị vón cục, không ngon. Khi dùng, múc bánh canh ra chén, chế thêm nước cốt dừa, rắc mè lên cho thơm.
Bánh canh hến nước cốt dừa
Món ăn “ngọt mặn” độc đáo mà chỉ có thể ở xứ dừa Bến Tre người ta mới nghĩ ra.